Monday, November 6, 2017

SAO CHÚNG TA CỨ PHẢI MỘT MÌNH LẠC LỎNG MỘT ĐƯỜNG ? (Nguyễn Ngọc Chu)




Nguyễn Ngọc Chu

Sáng ngày 5/11/2017 tại lễ kỷ niệm 100 Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2017), TBT Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu với nhan đề: Cách mạng Tháng Mười Nga và lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay.

Trong đó TBT Nguyễn Phú Trọng có đề cập: “Mọi đường lối chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan”. Như vậy, đây chính là yêu cầu của TBT Nguyễn Phú Trọng đối với “Mọi đường lối chủ trương của Đảng”.

Nhưng tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng lại yêu cầu điều này vào thời điểm này? Chả lẽ trước đây các chủ trương của Đảng không xuất phát từ thực tế và không tôn trọng quy luật khách quan?

Rõ ràng là TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhìn thấy, trong thực tiễn, có các chủ trương chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế, và cũng không tôn trọng quy luật khách quan.

Xin liệt kê ra hai ví dụ liên quan đến bài phát biểu.

1. MỘT MÌNH LẠC LÕNG MỘT ĐƯỜNG

NHÀ NƯỚC NÀO TRÊN THẾ GIỚI KỶ NIỆM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA ?
Nhà nước Nga không kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga. Cả Tổng thống Putin lẫn Thủ tướng Mevedev đều không đọc diễn văn kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Người Nga bây giờ gọi Cách Mạng Tháng Mười Nga là Cuộc Đảo chính (Perevorot) chứ không phải là cuộc cách mạng.

Các nước Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, đều không kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga .

Nhà nước Việt Nam là nhà nước duy nhất trên quả địa cầu kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga.

Như vậy là Việt Nam đang một mình lạc lõng một đường, không đi chung đường với các nước khác trên hành tinh. Rõ ràng, chúng ta đã không xuất phát từ thực tế, chúng ta cũng không tôn trọng quy luật khách quan.

2. TƯ TƯỞNG KÝ SINH

KẺ KÝ SINH KHÔNG THỂ SỐNG KHI CƠ THỂ KÝ SINH NHỜ ĐÃ CHẾT
Cách mạng Tháng Mười là của nước Nga. Chúng ta du nhập tư tưởng cách Mạng Tháng Mười từ nước Nga. Cách mạng Tháng Mười đã chết ở nước Nga từ năm 1991. Cho nên tư tưởng Cách mạng Tháng Mười không thể sống. Tư tưởng ký sinh lại càng không có đất dung thân. Không kẻ ký sinh nào sống được khi cơ thể mà nó ký sinh nhờ đã chết.

Kéo dài tư tưởng Cách mạng Tháng mười Nga ở Việt Nam là đi ngược với quy luật khách quan.

Chỉ hai ví dụ trên cũng đủ thấy được sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm. Chúng ta kêu gọi tôn trọng quy luật khách quan nhưng chúng ta lại đi ngược với bước chân nhân loại.

Sao chúng ta cứ phải một mình lạc lõng một đường?


KỈ NIỆM 100 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA: NHÌN NHẬN KHÁCH QUAN TỪ LỊCH SỬ
Tham luận ngắn kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Bài viết nhìn nhận khách quan trên quan điểm lịch sử. Quan điểm lịch sử hiển nhiên phải dựa vào thành bại của lịch sử, kiểm chứng lý luận bằng thực tiễn.

Đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng một lý thuyết đồ sộ là chủ nghĩa Marx chứ không là cuộc cách mạng tự phát, mặc dù giai cấp nông dân, kể cả công nhân, đi theo cách mạng không thể hiểu lý thuyết ấy là gì.

Không thể phủ nhận Cách mạng Tháng Mười Nga là cơn địa chấn lịch sử làm thay đổi cuộc sống và nhận thức của cả nhân loại. Tôi nói gọn hai tác động sâu sắc của nó như sau:

1) Khi người cộng sản giành thắng lợi bằng bạo lực và tuyên bố sự giãy chết tất yếu của chủ nghĩa tư bản, chính cuộc cách mạng dây chuyền đó đã buộc chủ nghĩa tư bản phải nhìn ra sự man rợ của nó, từ đó nhận thức và điều chỉnh vì sự sống còn của nó. Kết quả, chủ nghĩa tư bản khôn ngoan hơn người cộng sản nhầm tưởng. Nó không giãy chết trong thứ dục vọng vơ vét tài nguyên và bóc lột người một cách man rợ nữa. Nó nhanh chóng "tự chuyển hóa" từ chủ nghĩa tư bản hoang dã thành chủ nghĩa tư bản văn minh. Nó biết mang lợi ích tư bản chia sẻ cho phúc lợi xã hội, biến người lao động từ vô sản thành một phần máu thịt tư bản. Người lao động có nhà cửa, ruộng đất và có cổ phần trong các nhà máy, xí nghiệp tư bản; và như vậy, chủ nghĩa tư bản tự tạo ra cơ chế nếu người lao động chống tư bản là tự tước đoạt miếng cơm manh áo của chính mình.

Đó là lý do nhà nước tư bản từ độc tài chuyển sang nhà nước dân chủ đa nguyên để kiểm soát dục vọng tư bản. Chủ nghĩa tư bản không bao giờ tin có chủ nghĩa cộng sản mà chỉ có TƯ HỮU CÔNG BẰNG thông qua sự cạnh tranh lành mạnh nhờ sự trọng tài của nhà nước đa nguyên.

2) Cũng bắt đầu từ khi giành thắng lợi bằng bạo lực, người cộng sản rơi vào “kiêu ngạo cộng sản” (Lenin), tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, “vô địch muôn năm” nên kiên quyết chống lại “chủ nghĩa xét lại” và dùng bạo lực trấn áp mọi tiếng nói khác, dù trải qua rất nhiều sai lầm bằng máu. Kết quả, lý thuyết làm chỗ dựa cho chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là các tín điều tôn giáo kiểu mới: tôn thờ thần tượng dẫn đến tôn thờ quyền lực, xem người lao động chỉ là những con chiên ngoan đạo phục tùng tuyệt đối quyền lực. Khi trở thành con chiên ngoan đạo phục tùng tuyệt đối quyền lực, người vô sản mãi mãi vô sản vì sự thống trị của lý tưởng công hữu viển vông; ngược lại, kẻ có quyền lực trở thành những ông chủ sở hữu toàn diện từ vật chất đến tinh thần, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng. Phép phủ định biện chứng của Hegel về một nhà nước pháp quyền mà Marx phê phán triệt để lại là cái bẫy cho người cộng sản chui vào và tận dụng triệt để hòng đảm bảo tư cách Thượng Đế cho những ông vua độc tài kiểu mới. Giai cấp vô sản được giải phóng khỏi ách nô lệ cũ để thay bằng ách nô lệ mới với lý tưởng hiến máu của mình vỗ béo cho Thượng Đế mà nó suy tôn. Nhà nước công hữu là cách tước đoạt triệt để nhất mọi quyền lợi lao động đã từng bị tước đoạt. Trong khi hô hào chống chủ nghĩa đế quốc thì chính nhà nước xô viết tự biến mình thành đế quốc với danh nghĩa quốc tế vô sản làm cho các quốc gia dân tộc nhỏ bé không thể cất đầu lên được dẫn đến đấu tranh đòi độc lập.

Nói một cách dễ hiểu, khi "tước đoạt kẻ đã tước đoạt mình", giai cấp vô sản thêm một lần nữa trắng tay vì nó phải cúc cung tận tụy phục vụ các Thượng Đế đang thống trị trên trần thế cho đến khi nó không còn sức để phục vụ nữa.

Sự sụp đổ của nhà nước xô viết là tất yếu khách quan, bởi cái bẫy phủ định biện chứng đó không chỉ siết cổ người lao động trong tình cảnh túng quẫn: thiếu lương thực, thiếu sự khai phóng tinh thần, mà nó còn siết cổ chính những ông chủ đang điều hành cái nhà nước độc tài nhân danh CÔNG HỮU HÓA kia. Công hữu hóa làm tê liệt động lực phát triển, mọi tài sản làm ra bị đàn mối ăn tàn đến kiệt quệ. Khi người lao động không còn cái ăn và sáng tạo thì các Thượng Đế của họ cũng phải rời khỏi trần thế để về đúng chỗ sinh ra là Thiên đường Công hữu hoang tưởng ở trên trời.

Xu thế tất yếu của loài người là vươn đến kiến tạo một thế giới văn minh ngay tại cuộc sống trần thế, ở đó người lao động có mọi quyền được hưởng: quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bất cứ nhà nước nào tước đoạt những quyền tối thiểu đó ắt sụp đổ. Nhưng nghiệt ngã thay, trong lúc đam mê quyền lực và đam mê làm giàu, kẻ có quyền không bao giờ nghĩ đến bài học xương máu đó, ngoài hô to khẩu hiệu tự sướng: muôn năm!

Chu Mộng Long
----------------

P/S: Nội dung này tôi từng phát biểu công khai tại buổi thảo luận khi học lớp Trung cấp chính trị. Hiệu trưởng Trường Đảng xin ghi âm để tham khảo và khuyến khích viết thành bài đăng trên Tạp chí Cộng sản.





No comments: